Top 11+ món bánh kẹo truyền thống Việt Nam cho ngày Tết 2023

Category:

Dù cho mỗi năm vẫn có vô số các loại bánh trái nhập khẩu được ưa chuộng, nhưng bánh kẹo truyền thống vẫn luôn được lòng người dân Việt. Vậy những món bánh kẹo truyền thống nào ngon và phù hợp cho ngày Tết? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Bánh khẩu Sli – Cao Bằng

Bánh khẩu Sli nghe vừa lạ lại vừa độc đáo khiến nhiều người nghe lần đầu cảm thấy tò mò. Một miếng bánh khẩu Sli thường có hình dáng to bằng viên gạch màu đỏ, phía trên là lớp lạc màu nâu bóng mượt, phía dưới là lớp bỏng gạo mịn. Trải qua nhiều giai đoạn chế biến, hai lớp bánh dính chặt vào nhau, ăn vừa giòn tan, vừa dẻo, lại có vị bùi ngọt khiến nhiều du khách ăn một lần mà ghi nhớ mãi.

2. Bánh đậu xanh – Hải Dương

Bánh đậu xanh của Hải Dương vô cùng phổ biến tại Việt Nam. Loại bánh này nói chung hay bánh đậu xanh Hữu Bình nói riêng, khi ăn có vị ngọt thanh, tan ngay trong miệng. Bánh còn có vị béo và thơm mùi hương hoa bưởi kết hợp với mùi đậu xanh.

3. Bánh giò – Bắc Giang

Bánh giò còn có nhiều tên gọi khác như bánh tro, bánh nẳng, làm từ gạo nếp được ngâm qua nước tro (từ tro than lá cây, đặc biệt là lá tre). Khi bóc lớp lá cuối cùng, chiếc bánh giò tựa như khối ngọc mang màu hổ phách trong vắt, bạn có thể nhìn rõ bên trong chiếc bánh từng hạt gạo nếp nhỏ óng ánh. Cách thưởng thức món bánh này ngon nhất đó là chấm với mật mía, bạn sẽ cảm nhận được độ lạ miệng của bánh tro cùng mùi vị thơm phức của mật.

4. Bánh pía – Sóc Trăng

Bánh pía Sóc Trăng từ lâu là một món đặc sản nổi tiếng miền Tây được người dân trong nước và khách du lịch cực kỳ ưa thích. Bánh pía có vị ngọt của đậu xanh, vị bùi của sầu riêng kết hợp với vị đậm đà của trứng. Vỏ bánh nhiều lớp mềm dai và mỏng bao bọc lấy nhân bánh bên trong. 

Bánh pía hiện nay được sản xuất ngày càng phong phú và đa dạng với nhiều hương vị khác nhau, bạn có thể thưởng thức loại bánh này với một tách trà nóng, vị đắng đắng của trà hòa quyện với vị ngọt bùi của bánh tạo cảm giác ngon miệng hơn.

5. Bánh cáy – Thái Bình

Loại bánh này hấp dẫn khách du lịch bởi cái tên độc lạ – bánh cáy. Bánh cáy được làm từ gạo nếp, bánh có màu sắc bắt mắt nhờ màu đỏ của quả gấc và màu vàng của quả dành dành. Bánh cáy có vị ngọt từ mạch nha, ngoài ra còn có hương thơm từ gạo nếp hòa quyện với mùi vị béo thơm của đậu phộng, vừng, mứt dừa cùng với tinh dầu bưởi. Khi ăn bánh có độ giòn nhưng vẫn tạo cảm giác dẻo dai trong miệng. 

6. Bánh cốm – Hà Nội

Bánh cốm là một loại đặc sản đến từ thủ đô Hà Nội. Bánh được làm từ cốm, nhân bánh là đậu xanh dừa nạo cùng với mứt bí hoặc mứt sen trần, thường được dùng cho lễ ăn hỏi và tất nhiên cũng là món đặc sản được khách du lịch mua về làm quà lưu niệm rất nhiều khi đến thăm Hà Nội. Khi thưởng thức bánh cốm, bạn sẽ cảm nhận được vị thanh của vỏ bánh cùng với vị bùi thơm của nhân đậu xanh và dừa. Tất cả hòa quyện với nhau trong miệng tạo nên cảm giác khó quên khi ăn.

7. Kẹo dừa – Bến Tre

Nhắc đến Bến Tre thì hẳn ai cũng nghĩ ngay đến những rặng dừa cao vút cùng với những món đặc sản làm từ dừa. Loại kẹo này là món đặc sản vô cùng nổi tiếng nhờ sự thơm ngon và hương vị ngọt ngào của nó. Kẹo dừa Bến Tre được làm chủ yếu từ cơm dừa và đường mạch nha, tuy ngày nay có nhiều hương vị khác nhau ra đời nhưng lớp bánh tráng mỏng quấn quanh viên kẹo dừa thì chưa bao giờ thay đổi. Đây còn là món kẹo yêu thích của nhiều du khách khi đến Việt Nam!

8. Bánh gai – Nam Định

Bánh gai là một loại bánh ngọt lâu đời ở Việt Nam và được làm chủ yếu từ bột nếp. Màu đen của bánh gai sau khi giã kỹ và được trộn chung với bột nếp, khi nấu lên bột sẽ chuyển thành màu đen. Bánh gai có vị ngọt, bùi, thơm ngậy của nhân bánh và độ dẻo, mát nhờ vào vỏ bánh. Ăn bánh gai cũng được xem là nghệ thuật bởi đòi hỏi bạn cần biết cách bóc để vỏ không dính vào lá và khi ăn không để nhân rơi ra ngoài.

9. Bánh tráng xoài – Nha Trang

Bánh tráng xoài là món đặc sản khá nổi tiếng của huyện Cam Lâm cũng như một vài địa phương lân cận của tỉnh Khánh Hòa. Nguyên liệu chính để làm bánh tráng xoài là xoài chín và mạch nha. Bánh tráng xoài còn có tên gọi khác là bánh tráng xoài Nha Trang bởi đa số các sản phẩm được tiêu thụ là tại Thành phố Nha Trang. 

10. Bánh khô mè – quận Cẩm Lệ, Quảng Nam

Bánh khô mè là món đã có từ lâu và trở thành một đặc sản của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Bánh này được làm từ các nguyên liệu như bột gạo, mè, nếp,  đường, gừng tươi giã nát và một chút bột quế để tạo mùi thơm. Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được độ giòn xốp ngọt ngào của bánh, độ ngọt của đường và một ít thơm cay của gừng, quế. 

11. Bánh tráng sữa – Tiền Giang

Bánh tráng sữa là đặc sản không chỉ được ưa chuộng bởi người dân các tỉnh miền Tây mà còn bởi các thực khách trên khắp mọi miền Tổ Quốc. Bánh tráng sữa được làm từ các nguyên liệu chính như bột gạo, bột sắn, nước cốt dừa, nước, đường, mè cùng với các hương vị riêng biệt để tạo nên sự hấp dẫn của món bánh này. Bạn có thể ăn trực tiếp hoặc nướng trên than củi để làm dậy mùi thơm của bánh.

Trên đây là gợi ý về những loại bánh kẹo truyền thống thơm ngon đến từ khắp các tỉnh, thành phố trên đất nước. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể biết thêm nhiều điều về những loại đặc sản cũng như lựa chọn được sản phẩm phù hợp cho những dịp lễ, Tết.

 

TAGS:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *